Là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng và đóng góp cho đất nước, ngành in đang cần rất nhiều sự hỗ trợ để vượt qua những vấn đề hiện tại và tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác.
Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động in năm 2022 và triển khai công tác ngành In năm 2023 (diễn ra tại TP.HCM chiều 17/2), số lượng cơ sở in năm 2022 tăng 3,2% so với năm 2021 và doanh thu toàn ngành đạt 93.000 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021).
Năm 2022, sản lượng giấy các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng trưởng 5,6%, tương ứng với lượng tăng 0,308 triệu tấn so với năm 2021 (đạt sản lượng 5,45 triệu tấn). Trong đó, các loại giấy cao cấp, giấy đặc biệt trong nước chưa sản xuất được vẫn có nhu cầu cao và phải nhập khẩu, đây là thị trường ngách mà các nhà sản xuất giấy trong nước có thể tận dụng trong những năm tới đây.
“Quy mô, tiềm năng phát triển của ngành này còn lớn, năng suất lao động cao hơn các ngành công nghiệp thông thường. Vì thế cần nhìn nhận phát triển ngành in như một ngành có tầm quan trọng và đóng góp cao”, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông – phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, ông nhận định vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để phát triển lĩnh vực nhiều tiềm năng này. “Ngành thông tin và truyền thông những năm gần đây đã được mở rộng lên rất nhiều. Đây là ngành cung cấp thông tin, tri thức, để xây dựng đất nước lớn mạnh. Trong đó, chúng ta cần kết nối với nhau, đồng cảm với những khó khăn của ngành in để tìm ra hướng điều hành thông minh, hiệu quả”, ông nói.
Đối phó với giá giấy tăng cao, vấn nạn in lậu
Khái quát tình hình hoạt động ngành in năm 2022, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết thị trường năm 2022 có nhiều biến động trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khó lường và chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị – kinh tế khác nhau.
Tình trạng xáo trộn, đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp toàn cầu làm cho các khâu của quá trình in ấn – phân phối – trao đổi – tiêu dùng vốn được liên kết chặt chẽ, thông suốt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng xung đột quân sự Nga – Ukraine, các cơ sở in gặp phải rất nhiều khó khăn, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung vật tư chính như giấy, kẽm, mực đều tăng, giá các loại sản phẩm giấy in tăng cao 14,6-30,8%, đặc biệt vật tư keo tăng rất cao 50-70%.
Nhìn chung giá vật tư ngành In tăng trở lại tương ứng với giá đỉnh điểm trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chi phí logistics và vận tải đường biển tăng cao do bất ổn nguồn cung nhiên liệu. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành còn chịu thiệt hại rất lớn do thiếu hụt nhân công và tình trạng gián đoạn chuỗi tiêu thụ sản phẩm làm tăng giá thành sản xuất cho doanh nghiệp.
“Trước những biến động mạnh về thị trường giấy thế giới, giải pháp chính là chủ động tính toán nhu cầu sử dụng để đặt hàng sớm. Ngoài ra, những biến động về giấy có thể dẫn đến thiếu hụt giấy, do vậy các nhà xuất bản có thể chọn các biện pháp chủ động giảm chi phí sản xuất như tái bản những sách cũ đã có giá trị, tăng cường truyền thông, hạn chế in tràn lan,… Bên cạnh đó, xuất bản số là một lối thoát khi giá giấy tăng mạnh”, ông Nguyễn Nguyên chia sẻ với Zing.
Cũng theo ông Nguyên, công tác phòng, chống in lậu trong năm 2022 đã được quan tâm và tăng cường bằng nhiều hình thức hoạt động, đặc biệt là có sự kết hợp giữa các cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ, các sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành địa phương.
Kết quả là các cơ quan đã phát hiện nhiều cơ sở in lậu. Chẳng hạn, có cơ sở với khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách, gần 400.000 cuốn sách và các thiết bị in đã bị phát hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất – huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngày 1/1/, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án buôn bán 750 thùng sách với trên 90.000 quyển sách giáo khoa giả…
Mặc dù vậy, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý in lậu, in giả còn một số mặt hạn chế, tính chủ động, kịp thời chưa cao. Việc thực thi pháp luật của một số cơ sở in vẫn còn yếu. Sau 10 năm thực hiện Luật Xuất bản và 8 năm thực hiện Nghị định số 60/2014/NĐ-CP nhưng đến nay một số quy định của pháp luật về hoạt động in vẫn chưa được triển khai đồng bộ, vẫn còn nhiều cơ sở in chưa thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện hoạt động in.
“In lậu bóp nghẹt ngành xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên khẳng định. Và đây vẫn là một trong những câu chuyện lớn cần được giải quyết.
Nhằm giải quyết vấn đề này, ông Nguyên cho rằng có bốn giải pháp trọng tâm cần được thực hiện. Trước hết là hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó tập trung vào các giải pháp kĩ thuật nhằm phát hiện vi phạm. Thứ hai là tăng cường biện pháp thanh tra, xử lý, đẩy mạnh ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM để kiểm soát tình hình in lậu trên cả nước.
Thứ ba là kết hợp những ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh đưa ứng dụng tem công nghệ chống giả vào bảo vệ bản quyền. “Điều quan trọng là các đơn vị xuất bản có sự chủ động áp dụng và công bố sản phẩm của mình cũng như cách thức phân biệt sách giả, nâng cao ý thức cho người dân trong việc chống in xuất bản phẩm lậu”, ông chia sẻ.
Cuối cùng là phối hợp các cơ quan để kiểm soát trên không gian mạng và có được một công cụ về mặt công nghệ để rà soát. Ông cho biết hiện một số đơn vị phát hành đã kết hợp với nền tảng công nghệ để truy vết những vi phạm như vậy, nếu thử nghiệm thành công sẽ được áp dụng rộng rãi.
“Chúng ta loay hoay bao nhiêu năm để định nghĩa xuất bản phẩm là gì để rồi tự trói tay mình trong việc xử lý những xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trên không gian mạng. Trong năm 2023 chúng ta cần có được sự đột phá trong việc sửa đổi Luật xuất bản, một khung pháp lý hoàn toàn mới những vẫn giữ được những tư tưởng có giá trị đã đề ra từ trước, quyết tâm có được đột phá trong công tác chống in lậu và đổi mới quản lý bằng công nghệ”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Theo: https://zingnews.vn/chung-tay-phat-trien-nganh-in-viet-nam-post1402736.html